Bán vì thiếu lực lượng kế thừa, lo kém cạnh tranh

Với nhiều doanh nghiệp việc gầy dựng được thương hiệu đã khó nhưng gìn giữ và duy trì nó còn khó hơn gấp bội, nhất là khi thế hệ kế thừa có những ước mơ và định hướng phát triển không theo con đường cha ông đã gầy dựng sự nghiệp.

Câu chuyện gần đây nhất là nhà sáng lập thương hiệu bánh bao Thọ Phát có hơn 35 năm xây dựng với 6.000 điểm bán, hiện diện cả các hệ thống bán lẻ tiện lợi ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, đã quyết định bán đến 68% cổ phần cho Tập đoàn KIDO.

Thọ Phát là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất các sản phẩm bánh bao với quy mô lớn và doanh số dự kiến sẽ đạt đến 1.000 tỉ đồng trong năm nay. Đây cũng là doanh nghiệp bánh bao hiếm hoi có nhà máy sản xuất nằm trong khu công nghiệp lớn tại TPHCM, được trang bị công nghệ hiện đại có công suất 10.000 tấn sản phẩm mỗi năm.

Những ai có dịp tham quan nhà máy sản xuất của Thọ Phát tại Khu công nghiệp Hiệp Phước thì có thể thấy nhà máy rộng 20.000 m2 này khá hiện đại trong ngành sản xuất thực phẩm trong nước với rất nhiều thiết bị sản xuất tự động.

Ông Vũ Phước Thọ, người sáng lập thương hiệu bánh bao Thọ Phát, chia sẻ lý do khiến ông quyết định bán đến 68% cổ phần, để quyền kiểm soát thương hiệu Thọ Phát cho Tập đoàn KIDO, là bởi hai người con của ông không thích kế nghiệp, trong khi ông đã hơn 60 tuổi và muốn nghỉ ngơi.

“Con gái của tôi hiện đang làm một chuỗi nhà hàng, cũng giỏi lắm nhưng nó không muốn tiếp quản công việc kinh doanh của tôi. Trong khi con trai chỉ mê thể thao và cũng không thích theo tôi làm bánh bao”, ông Thọ nói.

Quyết định bán cho KIDO, ông chủ Thọ Phát cho rằng vì đây là doanh nghiệp lớn của Việt Nam có nhiều kinh nghiệm M&A (mua bán và sáp nhập), và doanh nghiệp này cũng đã giúp các thương hiệu sau khi về với mình phát triển tốt hơn, như dầu Tường An hay kem Celano/Merino… “KIDO cũng có vị thế lớn trên thị trường thực phẩm Việt mà người dẫn dắt là ông Trần Lệ Nguyên lại rất đam mê ẩm thực. Do đó, khi quyết định bán Thọ Phát, ông Nguyên và KIDO là sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất của tôi”, ông Vũ Phước Thọ cho biết.

Giá trị giao dịch của thương vụ này không được tiết lộ cụ thể. Tuy nhiên, về thương vụ đầu tư vào bánh bao Thọ Phát, báo cáo tài chính quí 2/2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO cho thấy, đến ngày cuối tháng 6 vừa qua, số tiền KIDO đầu tư vào Công ty cổ phần Thọ Phát Quốc tế là 100 tỉ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 25%. Như vậy, khi nâng tỷ lệ sở hữu nắm giữ lên 68% thì số tiền Tập đoàn KIDO đầu tư vào Thọ Phát sẽ lớn hơn nhiều.

Không chỉ Thọ Phát từ cái nôi kinh doanh gia đình gầy dựng nên thương hiệu tốt giờ phải quyết định bán phần lớn cổ phần để rút lui khỏi thị trường mà thời gian qua có khá nhiều doanh nghiệp sau nhiều năm gầy dựng tốt thương hiệu đã quyết định bán lại doanh nghiệp vì không có lực lượng kế thừa hoặc nhận thấy không đủ năng lực cạnh tranh về sau.

Trong lĩnh vực in ấn và bao bì, được cho là khá tiềm năng ở thị trường Việt Nam, cũng vì lý do thế hệ con cháu không chọn lĩnh vực kinh doanh này, có sự nghiệp riêng, nên buộc những người sáng lập, gầy dựng doanh nghiệp, phải bán doanh nghiệp, rút lui khỏi thị trường.

Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dòng, cho biết một doanh nghiệp in lớn ở Hà Nội cách đây vài tháng đã quyết định bán 80% cổ phần cho một nhà đầu tự nước ngoài. Theo ông Dòng, đây là doanh nghiệp gia đình hoạt động lâu năm trong ngành và giờ có quy mô khá lớn.

Bán doanh nghiệp, lựa chọn chẳng đặng đừng!
Lĩnh vực in ấn – bao bì đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư mới, kể cả việc “thâu tóm” doanh nghiệp Việt Nam để nhanh chóng tham gia thị trường. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Thuật lại chia sẻ của ông chủ doanh nghiệp nói trên, ông Dòng cho biết, người con trai duy nhất của ông chủ doanh nghiệp in này không chịu kế nghiệp cha, trong khi lực lượng kế thừa đang làm việc tại doanh nghiệp thì còn khá yếu, khó có thể chèo chống trước tình hình ngày càng tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp nước ngoài. Đây là lý do mà ông ấy đã quyết định bán phần lớn cổ phần của doanh nghiệp mình cho nhà đầu tư.

Với 50 năm hoạt động trong ngành in, ông Dòng nói rằng chưa bao giờ khó khăn như lúc này để tuyển được nhân lực trong ngành ngành in ấn, bao bì. “Nhiều người trẻ dường như nhận thức nghề này phức tạp, lao động vất vả, thu nhập lại không cao… nên ngại theo”, ông chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam nêu thực tế khó khăn về nhân lực của doanh nghiệp trong hiệp hội.

Một số doanh nghiệp Việt Nam trong ngành do áp lực cạnh tranh và không có lực lượng kế thừa phát triển nên đã quyết định bán doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều đáng chú ý, theo ông Dòng, những giao dịch này không chỉ xảy ra với doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa mà cả những công ty quy mô lớn.

“Những doanh nghiệp này cho biết giá thâu mua của nhà đầu tư ngoại khá cao trong khi họ ngày càng bị áp lực cạnh tranh khá lớn của nhà sản xuất ngoại nên quyết định bán”, ông Dòng nói, và cho rằng có hàng chục doanh nghiệp Việt Nam trong ngành đã rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Ông dự báo xu hướng này tiếp tục tăng vì tâm lý bị cạnh tranh bởi nhà sản xuất nước ngoài ngày càng cao.

Với những lý do trên, mà các thương hiệu do doanh nghiệp Việt Nam tạo dựng ngày càng rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các nhà đầu tư lớn trong nước với chiến lược phát triển thông qua hình thức thâu tóm doanh nghiệp đang hoạt động để nắm quyền chi phối.

Doanh nghiệp nước ngoài gia tăng “thâu tóm”

Cùng với khó khăn về lực lượng kế thừa và lo ngại khả năng cạnh tranh cao trong khi xu hướng kinh doanh ngày càng thay đổi và khó khăn kinh tế kéo dài khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam quyết định thu hẹp hoặc thoái lui khỏi thương trường.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đánh giá cao về thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam cũng như cơ hội xuất khẩu rộng lớn thông qua 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết với nhiều ưu đãi thuế quan.

Đây là lý do khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng đầu tư vào Việt Nam, trong đó giải pháp của không ít nhà đầu tư chọn hình thức đầu tư hoặc thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam để nhanh chóng tham gia thị trường.

Bán doanh nghiệp, lựa chọn chẳng đặng đừng! 1
Doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước cũng là tầm ngắm “thâu tóm” của các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Theo ông chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, thời gian qua có nhiều đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… đến hiệp hội để tìm hiểu về thị trường, công nghệ sản xuất… của ngành. “Những doanh nghiệp này sẽ đầu tư sản xuất tại Việt Nam, thậm chí là mua lại phần lớn cổ phần hoặc thâu tóm các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp trong nước để tận dụng nhà xưởng, công nghệ và lực lượng lao động lành nghề sẵn có nhằm có thể nhanh chóng tham gia thị trường”, ông Dòng đánh giá.

“Thị trường gần 100 triệu dân trong nước là rất lớn, trong khi cơ hội xuất khẩu cũng rất nhiều là cơ hội cho ngành in ấn và bao bì phát triển”, ông Dòng nói và lý giải vì sao nhà đầu tư lĩnh vực in ấn bao bì của các nước ồ ạt tìm đến Việt Nam.

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy, dù khó khăn kinh tế toàn cầu nhưng trong 9 tháng đầu năm nay cả nước có đến gần 2.540 giao dịch góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỉ đô la Mỹ, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh in ấn và bao bì, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư ngoại thâu tóm, rót vốn chi phối tại các doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều ngành hàng, trong đó đáng chú ý là ngành sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, dược phẩm, ngân hàng, y tế…

Mới đây, Bain Capital, Quỹ đầu tư tư nhân lớn trên thế giới sẽ đầu tư ít nhất 200 triệu đô la Mỹ bằng vốn cổ phần vào Masan Group, đánh dấu dự án đầu tư đầu tiên của Bain Capital vào Việt Nam.

Tình hình đang cho thấy việc thâu tóm, rót vốn của nhà đầu tư ngoại tiếp tục gia tăng khi mà doanh nghiệp nội địa mỏng về vốn và yếu về khâu quản trị đang dần kiệt sức sau “cơn bão” đại dịch và lạm phát toàn cầu kéo dài đến nay khiến họ rất cần sự hỗ trợ vốn của các tổ chức tài chính. Câu chuyên bán cổ phần cho bên ngoài có thể được xem là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.

Bởi lẽ, việc vay vốn với nhiều doanh nghiệp nội địa không chỉ chấp nhận lãi suất cao hơn các doanh nghiệp ở các quốc gia khác mà họ còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục cũng như khâu xét duyệt khoản vay.

Theo các chuyên gia, với tình hình khó khăn ở hầu hết các ngành nghề và kéo dài dẫn đến doanh nghiệp đuối sức. Nói về “sức khỏe” của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), gần đây cũng nhận định tình hình kinh tế đang thay đổi quá nhanh. Doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở cả trong và ngoài nước giảm, không thể xuất hàng được… Nhiều doanh nghiệp giảm lượng lao động, hoặc giảm giờ làm. “Một số doanh nghiệp còn phải bán bớt tài sản để trả nợ khi đáo hạn để không bị xếp vào nhóm nợ xấu”, ông Hòa nói.

Tình trạng gặp khó cả đầu vào lẫn đầu ra, dòng tiền eo hẹp và áp lực trả lãi ngân hàng cũng xảy ra ở ngành dệt may. Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, Phó chủ tịch Hội Dệt may – thêu đan TPHCM, trong ngành đã có doanh nghiệp đóng cửa, có doanh nghiệp bán tài sản, nhà cửa để trả nợ.

Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, giới phân tích nhận định điều này sẽ đẩy giao dịch M&A gia tăng, và khi mà nhiều công ty đang khát tiền mặt, khó khăn, thì bên mua đang ở thế thượng phong.

Bán doanh nghiệp, lựa chọn chẳng đặng đừng! 2
Nhiều doanh nghiệp khó khăn, mặt bằng bán lẻ tại TPHCM vẫn tiếp tục tình trạng ‘treo bảng’ tìm khách thuê, và việc thoái lui khỏi thương trường của doanh nghiệp tăng cao trong 9 tháng 2023. Ảnh: Minh Hoàng

“Có một điều là một số doanh nghiệp Việt như ở ngành in ấn và bao bì với năng lực quản trị yếu và nhận thấy áp lực cạnh tranh với đầu tư nước ngoài sắp tới quá lớn mà chấp nhận bán doanh nghiệp mình để thoái lui khỏi thị trường”, ông Nguyễn Văn Dòng nhận định, và chia sẻ: “Những doanh nghiệp trong ngành nói họ thà bán lúc này được giá cao còn hơn là để vài năm nữa khi cạnh tranh quá cao không thể trụ lại trên thương trường thì có muốn bán cũng không được”.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đây là thực tế đáng lo, nhất là với những thương hiệu Việt đã có mặt nhiều năm trên thị trường. “M&A trong nước vốn đã hấp dẫn thì trong bối cảnh vô cùng khó khăn của doanh nghiệp hiện nay được xem là cơ hội để nhà đầu tư ngoại gia tăng thâu tóm với giá thấp”, ông Đức nói.

Bên mua vì có nhiều sự lựa chọn nên khả năng chọn đàm phán các điều khoản theo hướng có lợi hơn cho họ. Nhà đầu tư có tiền mặt xem giai đoạn biến động mạnh là cơ hội để mua các doanh nghiệp, dự án, với mức định giá hấp dẫn. Ông Đức dự báo các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn trong các thương vụ, vì nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp trong khi lãi suất vẫn còn cao và thanh khoản ít dần.

Nguồn: https://thesaigontimes.vn/