Doanh nghiệp đóng cửa “áp đảo” doanh nghiệp thành lập

Bà Trương Thị Thúy Liên, Tổng Giám đốc Công ty Giày Liên Phát cho hay, sau khi sản xuất cầm chừng kéo dài do thị trường xuất khẩu khó khăn, từ tháng 4 vừa qua, bà đã cho ngưng sản xuất tại tỉnh Bình Dương.

Nguyên nhân là đơn hàng sản xuất đã cạn dần, người lao động không đủ việc, thu nhập thấp, công ty càng làm càng lỗ… Tình trạng đơn hàng mới để sản xuất rất ít nên công ty từng làm hàng để xuất đi thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ phải cho đóng cửa.

Với ngành may mặc, bà Thu Thúy, chủ cơ sở sản xuất tại TPHCM cũng đi đến quyết định cho đóng cơ sở xưởng may vì đơn hàng sản xuất không có và kinh doanh thua lỗ. Theo bà Thúy, hàng hóa sản xuất chủ yếu cung cấp cho các chợ bán sỉ như chợ Tân Bình, chợ An Đông… ở TPHCM và đưa đến khu vực miền Tây.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh thấp kéo dài hơn 3 năm qua cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc và trên các kênh thương mại điện tử nên cơ sở bà không thể duy trì hoạt động.

Câu chuyện hoạt động khó khăn do ít đơn hàng sản xuất, hoạt động thua lỗ, hoặc lĩnh vực kinh doanh không còn phù hợp trong bối cảnh thời thế kinh doanh nhiều thay đổi… Để đi đến quyết định ngưng hoạt động như bà Thúy Liên và bà Thu Thúy chỉ là hai trong số gần 100.000 doanh nghiệp gặp phải trong 5 tháng đầu năm nay.

Theo số liệu cập nhật của Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng vừa qua, cả nước có gần 97.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

So với con số gần 65.000 doanh nghiệp thành lập (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023) trong cùng thời gian thì lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vượt xa, vượt khoảng 32.500 doanh nghiệp thành lập.

Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn với hơn 66.000 doanh nghiệp (chiếm 67,9%, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là hơn 23.200 doanh nghiệp và số doanh nghiệp giải thể là gần 8.000 doanh nghiệp, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nếu tính luôn hơn 34.000 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong cùng thời gian thì tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 5 tháng đầu năm là 98.800 doanh nghiệp, chỉ cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 1.000 doanh nghiệp.

Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chu kỳ sàng lọc và tái cấu trúc…

Trên thực tế bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm nay lại cho thấy tiếp đà khởi sắc với những chuyển biến đáng chú ý ở khu vực doanh nghiệp, nhóm sản xuất, xuất nhập khẩu…

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng, đồng thời là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần tạo nên tăng trưởng cao của khu vực FDI.

Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế nữa là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 156,77 tỉ đô la, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó 26 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ đô la, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính theo cán cân thương mại hàng hóa, nền kinh tế đã xuất siêu hơn 8 tỉ đô la…

Hơn 97.000 doanh nghiệp rời thị trường sau 5 tháng đầu năm 2024
Ngôi nhà mặt tiền đường Trương Định và Lý Tự Trọng (quận 1) dày đặc các bảng quảng cáo cho thuê mấy năm qua nhưng đến nay cũng chưa có khách thuê.

Vậy vì sao lượng doanh nghiệp rời thị trường 5 tháng cao kỷ lục? Một trong những nguyên nhân được giới phân tích đưa ra là do tình hình thế giới còn nhiều bất ổn ảnh hưởng đến sản xuất, khả năng hấp thụ vốn, sức chống chịu bị bào mòn đến mức cạn kiệt sau đại dịch, các chính sách, quy định còn thiếu đồng bộ chưa nhất quán…

Mặt khác, chỉ số sản xuất công nghiệp tuy có tăng trưởng song lại ghi nhận giảm ở 8 địa phương cho thấy sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các tỉnh thành trên cả nước.

Cũng cho rằng nguyên nhân là do tình hình kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng theo TS. Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành, việc thoái lui khỏi thương trường một lượng lớn doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hiện tượng không phải quá lo lắng. Nhất là sau suy thoái, lạm phát tăng cao, môi trường thay đổi… yêu cầu doanh nghiệp phải tái cấu trúc và thay đổi mới có thể tồn tại.

Theo ông, lượng doanh nghiệp rời thị trường hiện nay chủ yếu là khối doanh nghiệp quy mô nhỏ và rất nhỏ hoạt động đa ngành nghề, rất dễ tổn thương khi kinh tế có nhiều khó khăn, thay đổi.

Những doanh nghiệp này chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp khác hoặc cung cấp những phần rất nhỏ cho các doanh nghiệp quy mô lớn hơn. Một khi nhu cầu thị trường của những lĩnh vực mà các doanh nghiệp này cung cấp không cần nữa thì ngay lập tức họ gặp khó khăn và thoái lui.

Đơn cử trong tình hình khó khăn và thời đại công nghệ hiện nay, xu hướng các nhà sản xuất tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, giảm qua khâu trung gian. Theo đó các doanh nghiệp làm khâu trung gian, phân phối… sẽ bị giảm hoặc “mất việc”. “Lượng doanh nghiệp này trên thị trường không hề nhỏ”, TS Điền nói và cho rằng, một một số lĩnh vực khác khi thị trường không cần nữa thì buộc các doanh nghiệp này phải đóng cửa kinh doanh.

Tuy nhiên, nhiều doanh nhân cũng sẽ thành lập những công ty mới khi nhìn thấy cơ hội từ những lĩnh vực khác. Như bà Thúy Liên và Thu Thúy được nhắc đến ở trên cũng chia sẻ, đang tìm cơ hội kinh doanh lĩnh vực khác để lập pháp nhân

Mặt khác, sau suy thoái và trong giai đoạn kinh tế dần phục hồi, doanh nghiệp muốn tiếp tục hoạt động và tồn tại thì cần phải tái cấu trúc để phù hợp với xu hướng và điều kiện kinh doanh mới. Đơn cử, trong tình hình kinh doanh mà người tiêu dùng, nhà nhập khẩu yêu cầu cao về tính an toàn và sản xuất xanh, thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế… Nếu doanh nghiệp không thay đổi và đầu tư thì cũng sẽ khó có được đơn hàng sản xuất.

“Không cần quá lo ngại khi nhìn thấy lượng lớn doanh nghiệp phải rời thị trường, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao thì điều này là quy luật và là diễn biến thông thường cho công cuộc sàng lọc, cải tổ doanh nghiệp”, ông Điền nói và ví von khó khăn hiện nay giống như khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2012 trên toàn cầu mà Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều dù bối cảnh, tình hình dẫn đến khủng hoảng khác nhau.

Cho rằng nền kinh tế cần chất lượng hơn là số lượng, T.S Điền khuyên doanh nghiệp bên cạnh tái cấu trúc, thay đổi, cải tổ thích nghi để tồn tại và cần phát triển theo chiều sâu, không theo chiều rộng như trước đây.

Ở phía nhà nước, bộ ngành, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với tình hình mới thì cũng cần đưa ra cảnh báo, dự báo để doanh nghiệp nắm tình hình thị trường. Đơn cử như tiêu chí “xanh hóa” sản xuất và tiêu dùng, nếu doanh nghiệp không thay đổi để thích nghi thì khó tồn tại.

Các ý kiến khác cũng cho rằng dù kinh tế khởi sắc song các doanh nghiệp trong nước tiếp tục cần “trợ lực”, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, một bộ phận doanh nghiệp “ngấm” chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã có sự hồi phục, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Vượt qua khó khăn, doanh nghiệp cũng thích nghi tốt hơn với điều kiện mới, đòi hỏi cạnh tranh cao hơn từ thị trường.

Trong bối cảnh doanh nghiệp phục hồi, đại diện cộng đồng DNNVV bày tỏ mong muốn các giải pháp hỗ trợ tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là chính sách thuế, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thủ tục hành chính…

Tương tự, trước tình trạng lượng lớn doanh nghiệp khó khăn rời thị trường, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế thể hiện sự lo ngại. Bởi doanh nghiệp là khu vực chính tạo ra của cải vật chất, việc làm và nguồn thu ngân sách… Khi họ đi đến ngưng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và ổn định xã hội.

Do đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng Chính phủ, bộ ngành và các địa phương cần có chính sách kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có chính sách để họ trở lại và gia nhập môi trường kinh doanh mới như kinh tế điện tử, doanh nghiệp số hóa, chính phủ điện tử. Đây là những yếu tố đòi hỏi một doanh nhân thời nay cần phải nắm bắt và hiểu rõ, nhất là người chủ của khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể cần được đào tạo, hỗ trợ kịp thời.
Nguồn: Phía sau câu chuyện hơn 97.000 doanh nghiệp rời thị trường sau 5 tháng - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (thesaigontimes.vn)